Xã hội Tiền_chiến

Xem thêm: Số đỏ

Đầu thế kỷ 20, sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam cùng với chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây đã gây ra những xáo trộn lớn trong xã hội. Đặc biệt sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Pháp đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa. Việt Nam hình thành một giai cấp mới, giai cấp tư sản. Tầng lớp trên của xã hội này có lối sinh hoạt thành thị mới theo văn minh phương Tây với những phương tiện sinh hoạt mới và hiện đại: Họ đi ô tô, ở nhà lầu, dùng quạt điện, mặc áo vét đi giày bít, đi nghe hòa nhạc và xem phim... Thời trang cũng được thay đổi theo từng năm. Cũng với những thay đổi sinh hoạt là các thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc.

Văn hóa phương Tây với điện ảnh, các ca khúc Pháp, Mỹ, văn học lãng mạn Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc tới giới trí thức trẻ Việt Nam. Được học ở các trường Pháp như Quốc học Huế, Trường Bưởi, Petrus Ký rồi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... các thanh niên này nói được tiếng Pháp, yêu thích văn hóa Pháp. Họ nghe nhạc phương Tây, không thích đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị mà tập chơi mandoline, ghi-ta và hơn nữa là violon, piano.

Nhiều giá trị bền vững của Nho học bị giới trẻ coi thường, thậm chí còn mang ra chỉ trích.[cần dẫn nguồn]